Cuộc đời Na Tô Đồ

Na Tô Đồ tự Hi Văn (羲文), không rõ năm sinh, là người họ Đới Giai thị (戴佳氏) thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Năm Khang Hi thứ 50 (1711), ông được thừa kế thế chức Tha Sa Lạp Cáp Phiên,[lower-alpha 1] được phong làm Lam Linh Thị vệ.

Tháng 4 năm Ung Chính thứ 5 (1727), cả hai Loan Nghi sứ là Ngô Chính Lan và Y Thắc Nạp đều bị cách chức, hầu tước Cát Nhĩ Tát và Nhất đẳng Thị vệ Na Tô Đồ được bổ nhiệm vào thay thế.[4] Tháng 6, ông được thăng làm Binh bộ hữu Thị lang.[5] Chỉ 1 tháng sau, ông vừa giữ chức Binh bộ Thị lang, vừa thay quyền Lại bộ Thị lang.[6] Ngày 1 tháng 11 năm thứ 6 (1728), Hắc Long Giang Tướng quân Phó Nhĩ Đan được điều về kinh thành nhậm chức Binh bộ hữu Thị lang, Na Tô Đồ được điều đến Hắc Long Giang nhậm chức Tướng quân, đứng đầu lực lượng quân đội Bát kỳ trú phòng tại đây.[7]

Năm 1730, Đa Tác Lễ bị hàng làm Ninh Cổ Tháp Phó Đô thống, Na Tô Đồ được bổ nhiệm vào vị trí Phụng Thiên Tướng quân thay cho Đa Tác Lễ.[8][9] Cũng trong năm này, Na Tô Đồ cùng với Phụng Thiên Phủ doãn Lê Trí Viễn được giao nhiệm vụ hỗ trợ Bình Quận vương Phúc Bành xử lý các công việc của Thanh Phúc lăng.[lower-alpha 2][10] Cuối năm Ung Chính thứ 11 (1733), Ngạc Nhĩ Thái cùng một số quan viên tấu thỉnh việc điều chuyển 2000 quân của Hô Luân Bối Nhĩ. Hắc Long Giang Tướng quân Trác Nhĩ Hải được lệnh dẫn đầu những binh lính này đến quân doanh. Na Tô Đồ được chọn tạm thay quyền chưởng ấn Hắc Long Giang Tướng quân.[11][12][13] Từ năm 1735, Na Tô Đồ đã tiếp tục thay quyền quản lý sự vụ của vị trí này thêm 2 lần nữa.[14]

Tháng 8 năm Càn Long nguyên niên (1736), ông được thăng làm Binh bộ Thượng thư thay cho Thông Trí.[15] Đến cuối năm lại đổi làm Hình bộ Thượng thư, do Nột Thân thay thế vị trí ở Binh bộ.[16] Năm sau, ông được điều làm Lưỡng Giang Tổng đốc.[lower-alpha 3][17] Nhưng nhậm chức hơn 2 năm thì ông gặp đại tang mà tạm miễn chức. Đến tháng 9 năm Càn Long thứ 6 (1741), ông tái nhậm nhức Lưỡng Giang Tổng đốc thay cho Dương Siêu Tăng hồi kinh nhậm chức Binh bộ Thượng thư.[18] Sau đó, ông đảm nhiệm chức vụ Tổng đốc ở nhiều địa phương khác bao gồm Mân Chiết[lower-alpha 4] vào tháng 5 năm 1742,[19][20] Lưỡng Quảng[lower-alpha 5] vào tháng 7 năm 1744,[21] và Trực Lệ vào tháng 6 năm 1745.[22][23]

Trong thời gian đảm nhiệm Trực Lệ Tổng đốc, Na Tô Đồ đã đệ trình lên Càn Long điều lệ về việc truân điền của Bát kỳ và cũng là người thúc đẩy việc thực hiện.[24] Năm 1747, ông tiếp tục thượng tấu vấn đề liên quan đến Sơn Hải quan, kiến nghị cấm dân chúng thông thường đến mưu sinh tại vùng đất khởi nguyên của người Mãn bên ngoài Sơn Hải quan. Kiến nghị này được Càn Long phê chuẩn, Na Tô Đồ cũng được ban hàm Thái tử Thiếu phó. Tháng 5 cùng năm, ông kiêm nhiệm thêm Trực Lệ hà đạo Tổng đốc, quản lý việc vận chuyển đường sông ở Trực Lệ.[23] Một năm sau, ông được ban hàm Thái tử Thái bảo, nhậm Lĩnh thị vệ Nội đại thần. Trong khoảng thời gian này, ông vẫn tiếp tục đảm nhiệm Trực Lệ Tổng đốc cho đến khi qua đời vào năm 1749.[25]